Phục hồi sầu riêng bị suy kiệt vì hạn mặn chỉ sau 3 – 4 tháng
TIỀN GIANG Quy trình 5 bước ứng dụng biện pháp hữu cơ, sinh học của Viện Cây ăn quả miền Nam đã giúp khôi phục vườn sầu riêng sau hạn mặn với tỷ lệ 80 – 100%.
Mùa khô năm 2020, Tiền Giang có gần 4.460ha sầu riêng bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, trong đó 922ha thiệt hại từ 30 – 70%, 3.537ha thiệt hại từ 70 – 100%. Trước tình hình này, cuối năm 2020, UBND tỉnh Tiền Giang quyết định triển khai đề khoa học công nghệ nghiên cứu xây dựng các mô hình vườn sầu riêng áp dụng kỹ thuật tiên tiến phục hồi sau hạn mặn và thích ứng với xâm nhập mặn tại xã Tam Bình và xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy (Tiền Giang).
Đề tài được Trường Đại học Tiền Giang chủ trì, phối hợp với Viện cây ăn quả Miền Nam thực hiện. Đến nay, phần lớn nội dung nghiên cứu của đề tài đã hoàn thành.
Vườn sầu riêng của gia đình ông Nguyễn Văn Rép đã khôi phục nhờ áp dụng quy trình 5 bước của Viện Cây ăn quả miền Nam. Năm nay, dự kiến năng suất gấp đôi năm ngoái. Ảnh: Minh Đảm.
Kết quả điều tra, đánh giá cho thấy, quá trình canh tác sầu riêng, nông dân sử dụng nhiều phân bón vô cơ, thuốc hóa học, đồng thời sử dụng hệ thống tưới bằng béc phun mưa dưới gốc gây lãng phí nguồn nước ngọt trong mùa khô. Tại huyện Cai Lậy, diện tích sầu riêng bị thiệt hại do xâm nhập mặn nhiều nhất ở xã Tam Bình (55%), kế đến là xã Long Trung (47%) và xã Hiệp Đức có mức độ thiệt hại thấp nhất (32%).
Để phục hồi cây sầu riêng sau hạn mặn, các nhà khoa học của Viện Cây ăn quả miền Nam đã đưa ra quy trình 5 bước, trong đó chú trọng ứng dụng các biện pháp sinh học, hữu cơ. Theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Sơn (công tác tại Viện Cây ăn quả miền Nam), kết quả tại 2 mô hình vườn sầu riêng ở xã Tam Bình và xã Ngũ Hiệp cho thấy cây sầu riêng cho lá xanh tươi trở lại sau 3 – 4 tháng, vườn sầu riêng được phục hồi đạt tỷ lệ 80 – 100% và năng suất không giảm so với trước khi bị suy kiệt.
Mùa khô năm 2020, hai mảnh vườn sầu riêng 10.000m2 của gia đình ông Nguyễn Văn Rép ở ấp Bình Hòa B, xã Tam Bình (huyện Cai Lậy) bị thiệt hại lớn vì nước mặn “trầm” ở các sông rạch kéo dài suốt 5 tháng khiến các mương vườn không có giọt nước nào, lòng mương khô trắng nứt nẻ, chân đi không lấm bùn.
Gia đình ông Rép tốn hàng trăm triệu đồng thuê ghe chở nước trữ vào các mương vườn nhưng không ăn thua. Mùa mặn đi qua, một mảnh vườn sầu riêng 3.000m2 bị chết ráo trọi, mảnh vườn còn lại cũng chết mất 50%. Nhờ áp dụng quy trình sinh học, hữu cơ, số cây còn lại đã được phục hồi và cho năng suất trở lại. “Sau 2 vụ, cây đã khôi phục trở lại. Năm ngoái vườn này thu được 7 tấn. Năm nay năng suất đạt hơn, chắc có thể đạt gấp đôi năm ngoái”, ông Rép phấn khởi.
Để sản xuất sầu riêng ở huyện Cai Lậy bền vững, TS Nguyễn Hồng Thủy (Trường Đại học Tiền Giang) – Chủ nhiệm đề tài khuyến cáo bà con cần phải thay đổi cách sử dụng nước tưới cho sầu riêng theo hướng tiết kiệm, hiệu quả như: Đào ao trữ nước ngọt, thay đổi hệ thống béc phun mưa bằng hệ thống tưới tiết kiệm nước… Nước ngọt là nguồn tài nguyên có giới hạn, không thể sử dụng nước giếng khoan tầng sâu để tưới cho sầu riêng khi hạn mặn xảy ra.
TS Thủy chỉ ra: Áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt khuếch tán dưới mặt đất chỉ tiêu tốn ở mức 96 lít/cây/ngày, bằng khoảng 40% lượng nước tưới so với biện pháp tưới bằng béc phun mưa phổ biến của nông dân nhưng cho kết quả ẩm độ đất, năng suất trái tương đương. Trong khi đó, chất lượng trái ở vườn mô hình tốt hơn, độ ẩm thịt trái thấp hơn, độ brix cao hơn, hàm lượng acid thấp hơn, hàm lượng vitamin C cao hơn…
Ông Võ Văn Men, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Tiền Giang cho biết, sắp tới, Sở NN-PTNT Tiền Giang sẽ tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng các chế phẩm vi sinh để bổ sung vi sinh vật có ích vào đất, khai thác tốt nguồn dinh dưỡng khoáng tự nhiên trong đất và nguồn phân hữu cơ mà nông dân đã bón vào đất. Từ đó, giảm sử dụng phân bón vô cơ, giảm áp lực sâu bệnh hại, giảm sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật và cả số lần phun, lượng thuốc sử dụng.
Sầu riêng là một trong các cây trồng chủ lực của tỉnh Tiền Giang, được trồng tập trung tại các huyện Cai Lậy, Cái Bè và thị xã Cai Lậy với diện tích trên 20.000ha, trong đó diện tích đang cho trái khoảng 12.000ha, sản lượng khoảng 300.000 tấn. Cây trồng này đang góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 20.000 lao động địa phương. Mùa khô 2023 – 2024 được dự báo khốc liệt hơn những năm trước, do đó bà con nông dân không nên chủ quan, cần chủ động các giải pháp ứng phó với hạn mặn.
Nguồn: Báo Nông Nghiệp Việt Nam
Trả lời